Bảo mật thiết bị đầu cuối là một phần trong quá trình bảo vệ an ninh mạng của các doanh nghiệp. Nếu quá trình này có lỗ hổng, hệ thống mạng bị tấn công thì thiệt hại của doanh nghiệp sẽ vô cùng lớn.
Thiết bị đầu cuối là gì?
Chắc hẳn nhiều người sẽ lạ lẫm với thuật ngữ này. Nhưng nếu hiểu nôm na thì “thiết bị đầu cuối” chính là những thứ rất quen thuộc như điện thoại, máy tính, máy fax…
Thiết bị đầu cuối là những thiết bị đầu tiên phát đi tín hiệu và cũng là thiết bị cuối cùng nhận tín hiệu. Các thiết bị này có nhiệm vụ giải mã tín hiệu được truyền qua đường dây, internet, gửi đến người nhận.

Cũng có một cách nói khác về thiết bị đầu cuối, đây là thiết bị có nhiệm vụ chuyển đổi các dạng tín hiệu đã được mã hóa thành những tín hiệu mà 5 giác quan của con người nhận biết được.
Trong bộ 3 thành phần quan trọng của hệ thống viễn thông không thể vắng mặt thiết bị đầu cuối. Hai thành phần còn lại là hệ thống tổng đài và hệ thống truyền dẫn.
Bảo mật thiết bị đầu cuối
Theo nhận định của Internet Security, hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đều yếu nhất ở khâu bảo mật thiết bị đầu cuối trong hệ thống an ninh bảo mật.
Ngày nay, khi laptop, máy tính bảng, điện thoại di động và các thiết bị không dây khác ngày càng được sử dụng nhiều trong công việc thì khả năng an ninh mạng cho công ty càng bị đe dọa.
Một khi thiết bị đầu cuối bị tấn công, các doanh nghiệp có thể mất dữ liệu, gián đoạn dịch vụ kinh doanh, ảnh hưởng cả về kinh tế và uy tín doanh nghiệp.

Để bảo vệ các thiết bị đầu cuối, doanh nghiệp cần đảm bảo 2 yếu tố
Nâng cao ý thức của nhân viên
Chưa bàn đến những kỹ thuật bảo vệ thiết bị đầu cuối, mỗi doanh nghiệp cần đào tạo cho nhân viên nắm được tầm quan trọng của việc này và thực hiện đúng quy định để bảo mật, không tạo lỗ hổng cho tin tặc tấn công.
Những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, luôn bị tội phạm mạng nhòm ngó, thường có những quy định rất gắt gao dành cho nhân viên để bảo mật các thiết bị đầu cuối. Họ cấm nhân viên không được sử dụng USB lưu trữ trong công ty, không được gửi email ra ngoài nếu chưa được phép.
Các nhân viên phải được trang bị kiến thức an ninh mạng tối thiểu, nâng cao khả năng nhận biết những email, đường link độc. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải thường xuyên phổ cập cho người lao động những xu hướng tấn công mạng mới.
Khi sử dụng máy tính của cơ quan, các nhân viên cũng cần có thói quen rà, quét virus, nâng cấp phần mềm, cài đặt bảo mật… để tự bảo vệ các thiết bị đầu cuối của mình.
Các biện pháp bảo mật khác
Có rất nhiều biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thiết bị đầu cuối hiện đang được các doanh nghiệp áp dụng, ví dụ: cài phần mềm chống virus, chống spyware, chống xâm nhập, bật tường lửa, áp dụng các công nghệ kiểm soát ứng dụng, thiết bị, phần mềm bảo vệ email, bảo về trình duyệt.
Các doanh nghiệp cần:
- Thường xuyên cập nhật các phần mềm bảo vệ, bảo mật ứng dụng, phần mềm của thiết bị đầu cuối.
- Hạn chế việc truy cập vào các website, đường link bên ngoài tổ chức, các lưu lượng mạng trên các cổng.
- Kiểm soát các đối tượng truy cập vào mạng lưới của doanh nghiệp
- Có những biện pháp bảo vệ thiết bị đầu cuối chuyên dụng cho máy chủ, máy trạm, HMI và hệ thống kiểm soát công nghiệp để bảo vệ cơ sở hạ tầng, tránh những cuộc tấn công ngẫu nhiên.
- Cần giám sát, phân tích để kịp thời phát hiện những cuộc tấn công mạng có chủ đích.

Hậu quả của tấn công mạng không thể lường trước được, có thể chỉ là gián đoạn hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn, cũng có thể là sự tê liệt toàn hệ thống gây thiệt hại về kinh tế, chính trị.
Trong thập kỷ qua đã có gần chục vụ tấn công mạng được ghi vào lịch sử, trở thành tâm điểm của cả thế giới.
- Vào tháng 4/2007, hàng loạt website của các cơ quan chính phủ Estonia đã bị đánh sập. Và vụ tấn công này kéo dài đến 21 ngày, được mệnh danh là “thế chiến mạng lần thứ nhất”.
- Năm 2008, mạng lưới tuyệt mật và Hệ thống tình báo toàn cầu của Mỹ đã bị sâu máy tính Agent.btz xâm nhập chỉ từ một chiếc USB. Sau vụ tấn công này, các nhân viên của 2 tổ chức đã bị cấm tuyệt đối sử dụng các phương tiện lưu trữ di động trong 14 tháng liên tục.
- Năm 2009, hàng loạt cơ sở hạt nhân của Iran đã bị vũ khí ảo của Mỹ có tên Stuxnet tấn công. Nó đã kiểm soát các thiết bị của nhà máy hạt nhân, phá hỏng các bộ lập trình trước khi tự hủy. Vì vậy, Iran không thể điều tra ra.
- Năm 2014, hãng Sony Pictures của Mỹ bị tấn công mạng. Hậu quả, hàng ngàn email cá nhân, mã số an sinh xã hội, thông tin cá nhân của nhân viên, cộng tác viên, diễn viên… đã bị rò rỉ. Cho đến nay, vẫn chưa thể tìm ra được thủ phạm của vụ tấn công là ai.
- Vụ bê bối gần đây nhất chính là hòm thư của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bị xâm nhập, hàng loạt thư mật, những trao đổi trong thời gian bà vận động tranh cử bị tung ra.
Trên đây là những vụ tấn công mạng đình đám, đủ để thấy sức “hủy diệt” nếu như an ninh mạng không được bảo đảm.